Mỗi cân lá tươi hiện đang được thu mua với giá từ 11-12 triệu đồng/kg, nếu sấy khô sẽ có giá khoảng 150 triệu đồng/kg.
Đây là một trong 5 loại nhân sâm tốt nhất thế giới được phát hiện tại dãy núi Ngọc Linh, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thân rễ và thân củ của sâm Ngọc Linh có chứa đến 52 hợp chất Saponin và là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất thế giới. Vì vậy, giá của sâm Ngọc Linh dao động từ 90-300 triệu đồng/kg.
Sâm Ngọc Linh là 1 trong 5 loại sâm tốt nhất thế giới được tìm thấy trên dãy núi Ngọc Linh. (Ảnh: Nguyễn Thương).
Có những củ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” có trọng lượng lớn được tìm thấy trong tự nhiên lại được mua với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Nói đến sâm Ngọc Linh, người ta nghĩ ngay đến củ sâm, ít ai biết được lá của loại cây này cũng được lùng mua ráo riết với giá lên đến hơn chục triệu đồng/kg tươi và 150 triệu đồng/kg khô vì có chứa tới 16 hợp chất Saponin, 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng.
Tiến hành trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh từ năm 2012 đến nay, chị Nguyễn Thị Hồng Thương, trú tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, hiện tại mỗi cân lá sâm tươi đang được chị bán với giá 11-12 triệu đồng.
Lá sâm Ngọc Linh được cắt và bán với giá 10-11 triệu đồng/kg tươi. (Ảnh: Nguyễn Thương).
Theo chị Thương, sau khi thu hoạch quả, người trồng sâm Ngọc Linh thường cắt lá để bán, đồng thời cho cây ngủ đông để dưỡng củ. Thời điểm cắt lá thường từ tháng 8-10 hàng năm.
Đầu tháng 8 là thời điểm các thương lái và doanh nghiệp bắt đầu thu mua lá sâm Ngọc Linh tại vườn vì nếu không cắt thì sau khi thu hoạch củ, lá cũng tự rụng.
“Năm nay, với 200 cây sâm, nhà tôi thu được 2kg lá tươi, bán với giá 11-12 triệu đồng/kg. Thương lái sau khi mua về sẽ dùng lá ngâm rượu hoặc sấy khô làm trà sâm”, chị Thương nói.
Mặc dù giá cao nhưng mỗi năm, chị Thương chỉ thu được từ 1-2kg lá sâm tươi để bán. (Ảnh: Nguyễn Thương).
Tuy nhiên, chị Thương khuyến cáo người tiêu dùng hết sức thận trọng khi đặt mua củ sâm hoặc lá sâm Ngọc Linh trên chợ mạng. Chỉ nên đặt mua ở các địa chỉ uy tín hoặc quen biết vì đây là sản phẩm có giá trị lớn nên nhiều người nhập sâm Trung Quốc giá rẻ về Việt Nam và quảng cáo là sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum hoặc Quảng Nam để bán kiếm lời.
Là doanh nghiệp chuyên thu mua lá sâm Ngọc Linh, chị Bích Ngọc, trú tại Kon Tum cho biết, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, cây sâm Ngọc Linh bắt đầu ra trái và cho thu hoạch những chùm quả chín.
Thu hoạch quả và hạt xong, người dân lại tiến hành cắt lá và dưỡng củ nên chị đi thu mua với giá 10-12 triệu đồng/kg lá tươi, về sấy khô rồi đóng thành túi nhỏ 10gr bán với giá 1,5 triệu đồng.
Lá sâm Ngọc Linh sau khi sấy khô sẽ có giá lên đến hàng trăm triệu đồng/kg. (Ảnh: Nguyễn Thương).
“Lá sâm Ngọc Linh sau khi mua về sẽ được rửa sạch, sấy lạnh để giữ được các chất thiết yếu vốn có và giúp cho việc vận chuyển bảo quản được lâu hơn. Nhiều người bán từng hũ nhỏ chứa 5 lá với giá 200 nghìn đồng/kg nhưng tôi bán ít nhất là gói 10gr với giá 1,5 triệu đồng”, chị Ngọc chia sẻ.
Theo chị Ngọc, lá sâm Ngọc Linh khô đa số khách mua để hãm trà uống, giúp giảm suy nhược cơ thể, giảm stress. Mỗi ấm trà cần khoảng 5 lá thì gói 10gr có thể pha được 20 lần, bao gồm cả cành, thân và lá. Nếu ngâm rượu thì mỗi gói ngâm được 1 lít rượu, uống để tăng cường sinh lý.
Lá sâm Ngọc Linh khô dùng để hãm trà giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, stress.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Chính phủ đã giao cơ quan này phối hợp với các bộ ngành và hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum xây dựng chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, định hướng đến 2045.
Chương trình này nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cây sâm Ngọc Linh, giúp trở thành sản phẩm nổi danh toàn cầu của Việt Nam.
Do đó, chương trình này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam có phân bổ trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100 nghìn hecta. Hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đưa diện tích trồng sâm đạt khoảng 22 nghìn hecta, sản lượng khai thác sâm đạt khoảng 300 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn GMP-WHO hoặc tương đương.
Cây sâm Ngọc Linh từ chỗ chỉ mọc hoang ngoài tự nhiên nay đã quy hoạch bảo tồn phát triển trên diện tích hơn 15 nghìn hecta. Trong đó, hơn 1,6 nghìn hecta đã được 20 doanh nghiệp, nhóm hộ và người dân thuê môi trường rừng trồng sâm.
Bên kia khối núi Ngọc Linh về hướng Kon Tum, phong trào trồng sâm của bà con cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp lớn tham gia phát triển vùng trồng hơn 1.240ha với 24,8 triệu cây sâm Ngọc Linh, tổng sản lượng củ tươi lên tới 213 tấn.
Theo Người đưa tin