Chia sẻ với VnExpress, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho hay Văn phòng Chính phủ đã đề nghị 6 Bộ cho ý kiến về việc cấp phép bay cho IPP Air Cargo. Ông dự kiến tiến trình cấp phép sẽ có tiến triển rõ nét hơn vào cuối tháng 8, nếu 6 Bộ đồng ý thông qua.
Dù chưa được cấp phép, ông cho biết công ty đã được 2 nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn thế giới có nhà máy sản xuất tại phía bắc ký hợp tác bao tiêu vận chuyển. Trong đó, mỗi hãng đăng ký sử dụng hai máy bay chở hàng của IPP Air Cargo.
Nếu được cấp phép bay vào tháng 11, hãng bay này sẽ cất cánh lần đầu tiên tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Ngoài những đơn đặt hàng đã có sẵn, IPP Air Cargo có thêm cơ hội vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Australia sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy hải sản Queensland (Australia) Mark Funer tại Việt Nam hôm 24/8. Theo kế hoạch, năm 2023, sẽ có một chuyến bay chở hàng từ Australia về Việt Nam mỗi tuần thông qua hãng hàng không IPP Air Cargo. Theo đó, chặng bay Đà Nẵng - Queensland sẽ sớm được hãng này đưa vào thác.
Đây cũng là lý do ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết sẽ phải thuê hoặc mua thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đến nay, IPP Air Cargo đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF. Ngoài ra đến năm 2024-2025, hãng cũng đã đặt mua 10 máy bay B777Freigter thân rộng của Boeing với tổng giá trị 3,5 tỷ USD.
Với đơn hàng thuê máy bay, đã có một chiếc xuất xưởng ngày 25/7, 2 chiếc tiếp theo sẽ được giao vào tháng 12 năm nay và chiếc thứ 4 giao vào tháng 2/2023.
Mặc dù thuê 4 chiếc và đặt mua 10 máy bay B777 của Boeing, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho rằng vẫn có thể thiếu tàu vận chuyển vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở thị trường Việt Nam đang rất "nóng".
Máy bay mang thương hiệu IPP Air Cargo đã xuất xưởng chiếc đầu tiên vào tháng 7. Ảnh: Công ty cung cấp
Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hóa. Hai năm nay, quá trình xin cấp phép bay của IPP Air Cargo gặp nhiều trắc trở, bị từ chối vì thị trường hàng không thời điểm ấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Hồ sơ lập hãng vận chuyển hàng hóa hiện cần có ý kiến đóng góp của 6 Bộ trước khi Thủ tướng nêu ý kiến và giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải và Cục hàng không xem xét. Nếu được thông qua, sau khi Cục hàng không cấp phép bay, hãng cần có thêm chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi. Hãng bay có thể mất 30 – 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.
Theo kế hoạch, mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Châu Âu.
Công ty IPP Air Cargo có trụ sở tại TP HCM, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. 4 cổ đông của IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.
Thi Hà