Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: Phái sinh không dễ dàng

13/05/2023 10:15
Phóng viên: Trong triển lãm lần này, vì sao anh chọn Van Gogh và Sài Gòn mà không phải nhân vật hay nơi chốn nào khác?Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: Với tôi, Sài Gòn là quê hương thứ hai, là nơi khiến tôi một lần nữa cảm thấy mình bé nhỏ. Để rồi hơn 20 năm sau, tôi nếm trải ngần ấy mùi vị của cuộc đời. Có ngọt, đắng, vinh quang hay thất bại, thì lúc nào bên cạnh cũng là bạn bè, anh em, gia đình, là tổ hợp tình cảm Sài Gòn góp nhặt suốt quãng thời gian sống trọn trong lòng thành phố.

 

Nên tạm gác qua một bên những lý tưởng vĩ mô, tôi dấn thân vào cuộc chơi nho nhỏ, nhằm tôn vinh cho tình yêu thứ hai của mình - vẽ Sài Gòn tôi yêu, bằng bút pháp, bảng màu của một người họa sĩ tôi thương. Mến tặng Vincent Van Gogh và Sài Gòn, bằng những hẻm nhỏ tôi vẫn thường lê la cà phê, bằng những quán cơm tấm vỉa hè, bằng những gương mặt nào đó lạ lạ mà như quen...

Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: Phái sinh không dễ dàng

Hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh bên cạnh tác phẩm miêu tả Van Gogh đang thưởng thức bánh mì Sài Gòn

* Trong nghệ thuật, tác phẩm phái sinh từng nhiều lần được ủng hộ, nhưng không ít trường hợp gây tranh cãi, vì ranh giới giữa sao chép và sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc là khá mong manh. Khi thực hiện dự án, quan điểm làm nghề của anh thế nào?

- Khi còn trẻ, tôi vẫn thường thực hành hội họa trong tâm thế giản đơn, rằng mình thích họa sĩ này, yêu tranh của họa sĩ kia, và ước gì mình được “giống” một chút phần của họ. Như vậy thiệt là diễm phúc. Rồi về sau, sự ảnh hưởng đó cộng với bản ngã biến thành cách vẽ của riêng mình.

Tôi không hề ngại ngùng bảo rằng mình chịu ảnh hưởng của Bacon, Pollock, Van Gogh hay Egon Schille. Đối với tôi, “được ảnh hưởng” đã là quá may mắn. Nên chỉ những người “sao chép” trong cả hành vi lẫn ý tưởng mới sợ sự sao chép. Còn bản thân tôi, đó là sự cưỡng đoạt riêng của mình, cưỡng đoạt trong niềm yêu thích ngưỡng mộ, và làm lại theo cách của mình để tôn vinh. Tinh thần pop-art từ xưa đến giờ vẫn là thế.

* Phái sinh trong nghệ thuật, nhìn ở một góc độ nào đó như “cứu cánh” cho sự sáng tạo. Nghĩa là, thay vì sáng tạo 100%, thì với phái sinh, anh đã có lớp nền, và mình chỉ cần làm việc dựa trên vốn sẵn có...

Trong hội họa, sự sáng tạo mang hàng triệu gương mặt. Phái sinh, hay cưỡng đoạt hình ảnh từ những bậc thầy, bóp méo, vặn vẹo lại, đưa vào một khung cảnh khác… cũng chỉ là một trong những gương mặt đó. Nó cũng phải có những nếp nhăn của sự trăn trở, đắn đo, quay cuồng tâm tưởng. Nó không thể nàodễ dàng, có sẵn, mà phải là kết quả của hàng nghìn giờ vắt óc động chân tay. Nó là một thứ nguyên bản nhất từ trí óc của người sáng tạo.

* Thời sinh viên, giống như nhiều tay vẽ khác, anh làm công việc chép tranh, cụ thể hơn là từng thường xuyên chép tranh của Van Gogh. Những năm tháng ấy như thế nào, thưa anh?

- Suốt thời sinh viên, những tháng ngày lê la chép lại tranh của các danh họa như một phần của mưu sinh. Cảm giác chán ngấy và đáng ghét đó lớn dần theo tháng năm, để bây giờ nhìn lại thì vô tình là kinh nghiệm quý báu. Chép tranh gần như là một phương thức lặp lại hành động của các bậc thầy. Tất nhiên, trong chừng mực kỹ thuật nào đó, nó sẽ bổ sung cho quãng đường sáng tác về sau này rất nhiều.

Cho đến 20 năm sau, một ngày lật từng trang sách tranh của các bậc thầy, mà cụ thể là Van Gogh - một họa sĩ lúc tuổi trẻ sôi nổi tôi nghĩ đó chính là thần tượng của mình, cảm giác nổi loạn của màu sắc trở lại. Cảm giác ấy khi xưa bị mình ruồng bỏ bao nhiêu, thì bây giờ nó sống động, gần gũi hơn bấy nhiêu. Những gam màu cuồn cuộn chảy lại. Màu cam, màu vàng đặc trưng đặt cạnh màu xanh tím, đó là một nỗi khắc khoải cao độ mà lúc sinh viên chẳng ai có thể chỉ cho mình thấy được, bởi nó là cảm giác, không phải bài học nào cả.

Và kể cả bây giờ, trong một cuộc dạo chơi nho nhỏ của Van Gogh ở Sài Gòn, tôi muốn sống lại quãng đường cũ bằng một cái nhìn khác, bình dị như con người của Van Gogh, để yêu thương nhiều hơn.

* Cuộc đời Van Gogh không phải một con đường bằng phẳng mà có nhiều đoạn đứt gãy, vô số khúc quanh. Giữa anh và Van Gogh có những điểm đồng điệu nào?

- Cũng như bao người khác sống ở đất Sài Gòn này, loanh quanh trong thành phố trong đêm khuya, ở thời khắc nào đó cũng được, tôi thấy sự cô đơn. Tôi thấy cả bầu trời bừng sáng trong đêm, thấy người lao công quét lá, tiếng chổi lao xao cạnh một người đàn ông cơ nhỡ ngồi nhìn tư lự bên trạm xe bus. Ánh đèn neon vẫn còn nhấp nháy của một cửa tiệm nào đó, rồi tôi nghĩ đến sự cô đơn cùng cực của Vincent, tự hỏi mình có được cô đơn như thế không?

Cứ thế tôi vẽ theo tâm thức không suy nghĩ gì hết.

* Nhạc rock ảnh hưởng tới sáng tạo hội họacủa anh như thế nào?

- Mãnh liệt, dâng trào, ào ào thác đổ, rít phá như cuồng phong. Chân dung của nhạc rock thường như vậy. Tôi là một người nghe nhạc có thể nói rất tham lam. Tôi nghe tất cả mọi thể loại nhưng cuối cùng lại chọn rock để mỗi khi thực hành hội họa, tự muốn biến mình thành cơn bão, với tốc độ, cao trào, cảm xúc… rồi để mặc cho đôi tay quấn lấy màu, quấn lấy toan vẽ mà thành hình bức tranh.

Lúc thì gai góc như một bản metal, nhưng cũng có những góc tranh nhẹ nhàng ngọt ngào như bản ballads. Tôi thấy được nhiều thái cực hơn với rock, và quá trình “nghe quá lâu” kể cả cầm đàn chơi rock, nó ăn sâu vô từng ngón tay bám cọ lúc nào không hay. Tranh tôi trần trụi, phơi bày không giấu giếm, nói thẳng vô điều cần nói, tôi không thích vòng vo, hệt như tinh thần rock.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn mở từ 13 – 23/5 tại SiLart Station (139 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TPHCM)

Diễm Mi

   
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: Phái sinh không dễ dàng - Đời Sống