TTO - Đất trên Mặt trăng có thể được sử dụng để chuyển đổi khí cacbonic thành oxy, trở thành nhiên liệu cung cấp cho các sứ mệnh chinh phục không gian trong tương lai.
Mô phỏng sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt trăng của NASA - Ảnh: NASA
Một nghiên cứu mới của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) đã phát hiện ra đất trên bề mặt Mặt trăng có khả năng hỗ trợ quá trình chuyển đổi một số nhiên liệu tên lửa, cung cấp năng lượng cho những chuyến hành trình chinh phục vũ trụ trong thế kỷ 21.
Phân tích các hạt bụi thô do tàu vũ trụ Chang'e 5 của Trung Quốc mang về Trái đất cuối năm 2020, nhóm nhà khoa học nhận thấy các lớp phong hóa trên bề mặt của Mặt trăng chứa các hợp chất giàu sắt và titan.
Theo nhóm nghiên cứu, các hợp chất có thể hoạt động như những chất xúc tác, kết hợp với ánh sáng mặt trời, có thể chuyển đổi CO
thành O.
Các sản phẩm tạo thành còn có hidro và một số thành phần phụ hữu ích khác như khí methan.
Vì oxy hóa lỏng và hidro đóng vai trò như những nhiên liệu cho tên lửa hoạt động ngoài vũ trụ, các nhà khoa học tin rằng có thể tính đến phương án lập một trạm cung cấp nhiên liệu và trung chuyển ngay trên Mặt trăng.
Việc này có thể áp dụng ngay trong sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa. Thay vì di chuyển một mạch từ Trái đất lên sao Hỏa, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu chỉ mang theo số nhiên liệu vừa phải, được tiếp năng lượng khi "trung chuyển" ở Mặt trăng rồi đến sao Hỏa sẽ lợi về kinh tế hơn.
Đây được coi là bước đi quan trọng tiếp theo của các cơ quan vũ trụ trên thế giới vì việc phóng hàng hóa lên quỹ đạo thường rất tốn kém.
Lực hút của Trái đất khiến phải cần hàng tấn nhiên liệu mỗi giây cho tên lửa bay vào không trung. Do đó, nếu giảm bớt được bất cứ thứ gì chất trên tên lửa, ở đây là nhiên liệu, sẽ tiết kiệm rất nhiều kinh phí.
Các mẫu đá Mặt trăng được phân tích trong nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc - Ảnh: Yingfang Yao
Giáo sư Yingfang Yao - Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), tác giả chính của nghiên cứu - cho biết nếu sử dụng được tài nguyên ngay bên ngoài vũ trụ làm nhiên liệu sẽ giảm thiểu được trọng tải chất lên tên lửa.
Bà cũng cho rằng Mặt trăng là một kho tài nguyên quý giá với vàng, bạch kim và các kim loại quý hiếm khác đang chờ được khai thác.
Các sứ mệnh chinh phục vũ trụ trong tương lai của Trung Quốc cũng sẽ có hạng mục phát triển những nguồn năng lượng tái tạo ngay trên Mặt trăng.
Giáo sư Yao cho rằng nguồn năng lượng ngoài vũ trụ sẽ là cơ sở cho ngành công nghiệp máy bay vũ trụ có người lái phát triển nhanh chóng trong tương lai gần.
Trung Quốc tiến gần hơn đến việc xây dựng căn cứ khoa học trên Mặt trăng
TTO - Bắc Kinh lên kế hoạch phóng 3 tàu thăm dò lên Mặt trăng nhằm thực hiện dự án xây dựng căn cứ khoa học tại đây. Động thái mới nhất này đánh dấu sự tăng tốc của Trung Quốc trong cuộc chạy đua lên không gian với Mỹ.
HOÀNG THI