Chiều 11/7, cựu Chủ tịch Hà Nội tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc, chủ yếu về ba lần gọi điện thoại chỉ đạo cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ đình chỉ mở gói thầu số hóa quản lý doanh nghiệp, kéo dài thời gian, tạo điều kiện để Công ty Nhật Cường dự thầu và trúng hai gói thầu vào năm 2016 và 2017.
Ông Chung cho biết, sau phiên sơ thẩm, trong những lần làm việc với luật sư, ông đã yêu cầu được nghe lại lời khai của ông Tứ. Lý do trong phiên sơ thẩm, do thời điểm đó, ông bị cách ly khỏi phiên trả lời của ông Tứ.
"Tôi đối chiếu lời khai của anh Tứ và tôi thì về cơ bản trùng khớp, lệch duy nhất một điều là lý do dừng thầu tiên quyết. Anh Tứ nói dừng thầu do tôi đề nghị đưa vào công nghệ scan mới ưu việt hơn. Tôi khẳng định lúc đó chưa hề biết hay đề cập đến công nghệ này, mà phải hai tháng sau, tức 14/8/2016, tôi mới biết và đề cập. Anh Tứ khai như vậy tôi không chấp nhận", ông Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung trả lời HĐXX trong phiên tòa phúc thẩm, ngày 11/7. Ảnh: Danh Lam
Ông Chung phủ nhận "dọn đường, tạo điều kiện" để Nhật Cường được dự thầu, mà nguyên nhân chính là hồ sơ mời thầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa đạt yêu cầu. Trước đó ông rất nhiều lần yêu cầu Sở này dừng các dự án về công nghệ thông tin, "chứ không phải đến khi đó tôi mới yêu cầu ông Tứ dừng mở thầu".
Cụ thể, cựu Chủ tịch Hà Nội nêu, trong cuộc họp ngày 18/2/2016 chỉ đạo công nghệ thông tin của thành phố, ông đã yêu cầu kết quả của toàn bộ việc số hóa phải đạt được hai điều, tích hợp toàn bộ kết quả số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Thứ hai, toàn bộ dữ liệu này phải được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu chung của Hà Nội. Tuy nhiên, một ngày trước khi Sở Kế hoạch và Đầu tư mở thầu, khi gọi điện, ông Tứ vẫn trả lời "chưa bổ sung hai nội dung này vào hồ sơ mời thầu".
"Đây mới chính là nguyên nhân quan trọng số 1 để tôi yêu cầu anh Tứ phải đình chỉ mời thầu vào sáng 16/5/2016, chứ không phải dọn đường cho ai", cựu chủ tịch Hà Nội phân trần.
"Tôi không có điểm gì ngoan cố, chỉ mong HĐXX xem xét đúng bản chất, cân nhắc công tội và được đối xử bình đẳng như nhưng người khác trước pháp luật", ông Chung kết lại phần trình bày.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư) bị cáo buộc sửa đổi hồ sơ mời thầu và ký quyết toán 100% cho Nhật Cường dù công ty này mới hoàn thành 45% công việc. Giải thích lý do kháng cáo, bà này cho rằng đã cố gắng thực hiện công việc trong phạm vi trách nhiệm, nhưng công nghệ và đấu thầu không phải lĩnh vực chuyên môn nên đã xảy ra sai phạm, chứ không cố ý.
"Bị cáo không hề biết hành động của mình sẽ gây hậu quả lớn như vậy. Thực tế trong dịch Covid vừa qua, các hoạt động liên quan đăng ký thông tin doanh nghiệp của Hà Nội đã được thực hiện online, đó là thành quả có tiền đề từ những công việc bị cáo và đồng nghiệp đã làm", bà Tuyến phân trần.
Bị cáo Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư) bị cáo buộc khi thảo hợp đồng giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và liên danh nhà thầu Nhật Cường - Đông Kinh đã bỏ một số hạng mục công việc, nhưng vẫn tính đơn giá thanh toán cho nhà thầu cao gấp ba lần.
Bị cáo nhận thức chưa thực hiện đúng trách nhiệm, song phân trần đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không tư lợi, "không làm sai quy định mà chỉ chịu sức ép, chỉ đạo từ cấp trên".
Bị cáo Phạm Thị Thu Hường trong phiên tòa phúc thẩm ngày 11/7. Ảnh: Danh Lam
Bà Tuyến và bà Hường lần lượt bị cấp xét xử sơ thẩm tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù và 42 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, mỗi người bị buộc bồi thường hơn 3 tỷ đồng. Hiện tòa phúc thẩm ghi nhận hai bị cáo đã được gia đình "khắc phục hậu quả thay" 500 triệu đồng. Cả hai đều kháng cáo xin giảm hình phạt tù và trách nhiệm bồi thường dân sự do "gia đình khó khăn", trong khi số tiền phải nộp quá nặng, ngoài khả năng chi trả.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2016 đến 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư hai gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn. Khi Sở chuẩn bị đóng gói thầu năm 2016, theo nhờ vả của Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy (đã bỏ trốn), ông Chung chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đình chỉ gói thầu vào phút chót.
Lúc mở thầu lại, Công ty Nhật Cường bố trí "quân xanh" nên trúng thầu cả hai gói thầu số hóa năm 2016 và năm 2017, nhưng đều bán lại cho Công ty Đông Kinh để hưởng lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.
HĐXX xác định các bị cáo làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; chỉ 45% tài liệu được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, nhưng vẫn được Sở Kế hoạch và Đầu tư thanh toán 100% tiền công. Việc này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng. Nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư bị xác định "lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp kết quả".
Tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty Đông Kinh nộp Sở Kế hoạch và Đầu tư hơn 6,6 tỷ đồng hưởng lợi bất chính. Trừ ông Chung, các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền còn lại.
Đây là vụ thứ ba ông Chung hầu tòa phúc thẩm. Trong hai vụ án trước đó liên quan chiếm đoạt tài liệu mật và mua sắm chế phẩm Redoxy-3C, ông lĩnh tổng cộng 10 năm tù.
Trước phiên phúc thẩm hôm nay, ngoài đơn viết tay dài 58 trang, giải trình các vấn đề kháng cáo, thông qua luật sư, ông Chung còn nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen kỷ niệm chương, huân chương trong thời gian công tác trong ngành công an và UBND TP Hà Nội cùng hồ sơ bệnh án liên quan việc mắc bệnh ung thư trực tràng để được Tòa xem xét yếu tố giảm nhẹ.
Thanh Lam