Nhắc nhớ lịch sử Đồn Nhất, bảo tồn Hải Vân Quan

28/11/2022 12:22
Nằm ở giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng, Hải Vân Quan nổi danh về cảnh đẹp, một trong những địa điểm săn mây của giới trẻ. Thế nhưng, không chỉ có vậy, Hải Vân Quan còn mang dấu ấn lịch sử khi nơi đây từng chứng kiến trận Đồn Nhất - một cứ điểm được mệnh danh là bất khả xâm phạm của thực dân Pháp. Vậy là nay, không chỉ là nơi vua Lê Thánh Tông từng ghé qua ban tên, Hải Vân Quan đã có thêm cơ hội được bảo tồn với những giá trị lịch sử của mình.  

 

Nhắc nhớ lịch sử Đồn Nhất, bảo tồn Hải Vân Quan

Hải Vân Quan đến nay vẫn lưu lại dấu tích lịch sử, văn hoá của vùng đất miền Trung. Ảnh: Lê Tuấn

70 năm chiến thắng vang dội Đồn Nhất

Đồn Nhất án ngữ trên đỉnh đèo Hải Vân, là một bộ phận quan trọng của cụm công trình kiến trúc Hải Vân Quan - pháo đài quân sự có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) để phòng thủ cửa ngõ phía Nam của Kinh thành Huế.

Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Đồn Nhất, cuối năm 1946, sau khi trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, thực dân Pháp đã tận dụng cải tạo và củng cố Đồn Nhất thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc có tường bằng đá bao quanh, án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở để kiểm soát lưu thông trên đường đèo, ngăn chặn sự kết nối của quân ta ở Liên khu 5 với chiến trường Bình Trị Thiên.

Thế nhưng, cũng trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đèo Hải Vân được mệnh danh là “mồ chôn giặc Pháp”. Bởi, tháng 9.1952, cùng với các chiến thắng giòn giã ở Túy Loan, Thượng Phước, Lệ Sơn làm khiếp sợ kẻ thù, để đánh lạc hướng địch, đồng thời gây tiếng vang làm xáo động hậu phương của chúng, Trung đoàn 803 được giao nhiệm vụ thọc sâu vào vùng địch ra hướng bắc Hòa Vang, trọng tâm là tiêu diệt Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân.

Sau khi tiến hành trinh sát nắm địa hình và tình hình của kẻ địch, Đại đội 6 hạ quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Trải qua nhiều ngày đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng trong mưa gió, mang vác trên vai trang bị vũ khí nặng nề của một đơn vị công đồn, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 cùng du kích Hòa Vang xuyên rừng vượt dốc, tiếp cận đỉnh đèo. Đêm 25.9.1952, trời tối đen như mực, mưa tầm tã và mây mù bao phủ, quân ta vào đến hàng rào cuối cùng mà địch không hề hay biết. Bộc phá 20kg của ta phát nổ long trời lở đất, nhưng lô cốt địch quá dày nên không sập nổi.

Lúc này Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương nhanh trí bắc thang leo lên lô cốt, nhưng do thang ngắn, anh liền kê vai mình làm trụ để anh em trèo lên nhảy vào. Sau những phút kinh hoàng vì bất ngờ, địch ở bên trong bắn ra dữ dội. Tiểu động trưởng Nguyễn Bá Dương trúng đạn bị thương nặng, nhưng tay anh vẫn nắm chặt thang và hét lớn: “Mau lên, mau lên”... Đồng đội tiếp tục vượt qua vai anh tấn công vào lô cốt địch, anh Nguyễn Bá Dương ngã xuống. Thủ pháo nổ vang, địch chỉ còn biết chui vào các căn hầm cố thủ. Ta vừa đánh vừa gọi hàng. Không chịu nổi sức công phá của thủ pháo, chúng giơ tay ra hàng, trong số hàng binh có hai tên quan Pháp.

Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt, Đồn Nhất - một căn cứ vô cùng hiểm yếu, xem như an toàn nhất của địch đã bị quân ta tiêu diệt, thu 4 trọng liên 20 ly, nhiều tiểu liên, súng trường và quân trang quân dụng. Trong chiến công vẻ vang đánh thắng Đồn Nhất, đồng đội không ai quên được hình ảnh Nguyễn Bá Dương, người đảng viên xung kích, người chiến sĩ cảm tử lấy vai làm trụ cho đồng đội băng lên diệt thù. Đây cũng là một trong các chiến thắng quan trọng của Trung đoàn 803, Liên khu V góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

70 năm đã trôi qua, chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan tưởng chừng như lùi sâu vào lịch sử, để lại Hải Vân Quan với lô cốt, tường thành sừng sững nơi núi rừng, biển trời. Thế nhưng nay, với sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học, với nhiều bài tham luận phong phú của các nhà nghiên cứu lịch sử đã làm rõ thêm thành tích của các tập thể, cá nhân đóng góp vào thắng lợi của trận đánh để đề nghị các cấp tôn vinh xứng đáng.

Nhắc nhớ lịch sử Đồn Nhất, bảo tồn Hải Vân Quan

 Thêm cơ hội cho Hải vân Quan

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, Hải Vân Quan còn chứa đựng bên trong nhiều giá trị khảo cổ, kiến trúc, nghệ thuật. Sau hơn 100 năm vùi sâu dưới lòng đất, những hiện vật vô cùng có giá trị, những nền móng kiến trúc của Hải Vân Quan dần phát lộ sau các cuộc điều tra, nghiên cứu khảo cổ học. Thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng chung Bộ hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia; kết quả, ngày 14.4.2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Hải Vân Quan là Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia.

Năm 2017, tại lễ đón bằng Di tích lịch sử Quốc gia trên đỉnh đèo Hải Vân, lãnh đạo 2 địa phương đã ký kết Biên bản hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia Hải Vân Quan. Cuối năm 2021, dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được khởi công thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách 2 địa phương. Sau khi hoàn thành dự án vào năm 2023, cùng với Đồn Nhất, khu vực này sẽ trở thành điểm tham quan, du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp trải nghiệm thú vị, làm đa dạng hơn sản phẩm du lịch của 2 địa phương.

Để bảo tồn và phát huy giá trị Đồn Nhất - Hải Vân Quan, phát huy di tích vào phát triển kinh tế Đà Nẵng cũng như Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Biên bản hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia Hải Vân Quan giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó chú trọng cơ chế phối hợp quản lý, phát huy giá trị di tích quy định rõ trách nhiệm giữa 2 địa phương. Nghiên cứu làm rõ hơn giá trị lịch sử của di tích, giúp du khách nhận rõ tính độc đáo, hiếm có của Đồn Nhất - Hải Vân Quan, kết hợp với giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan, mới đây, Thành ủy Đà Nẵng, Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) và Bộ Tư lệnh Quân Khu 5 tổ chức lễ khánh thành di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan, Di tích Chiến thắng Đồn Lệ Sơn. Vậy là, sau hơn 100 năm, có lúc đã bị bỏ hoang vì nằm giữa ranh giới 2 địa phương, đến nay, Hải Vân Quan đã có cơ hội được trùng tu, được trả lại những giá trị không chỉ văn hoá mà còn trong lịch sử gắn liền với con người, vùng đất nơi đây. Từ đó, trên đỉnh đèo Hải Vân sẽ có một điểm dừng chân cho du khách vừa thưởng lãm phong cảnh, vừa được nghe về chiến thắng Đồn Nhất vang dội.

Hơn 20 điểm sạt lở tại đèo Hải Vân chưa được khắc phục, đi lại khó khăn Hơn 30 điểm sạt lở ở đèo Hải Vân vẫn chưa được khắc phục Đà Nẵng: Hầm đường bộ Hải Vân - QL1A đã thông xe hai chiều

Theo Nguồn laodong.vn

Nhắc nhớ lịch sử Đồn Nhất, bảo tồn Hải Vân Quan - Đời Sống