Sau thời gian làm nghề chài lưới, vợ chồng ông Lê Văn Màu dành dụm được khoản tiền nhỏ, chuyển đến hẻm 404/11 Lê Hồng Phong (tổ dân phố 3 Phước Thành, phường Phước Long) xây nhà, sinh sống từ năm 2001. Vừa ở được một năm, tỉnh Khánh Hòa công bố quy hoạch dự án khu dân cư ở khu vực này khiến căn nhà của ông không thể tu sửa, nâng cấp suốt gần 20 năm qua.
Phần nền trong nhà ông Màu nâng lên để chống ngập, hiện nay nằm sát cửa sổ. Ảnh: Bùi Toàn
Suốt thời gian qua, những người con của ông Màu đã lớn và lập gia đình, sinh con. Từ hộ 5 người, nay gia đình ông đã lên 12 người ở trong căn nhà xập xệ. Bên trong nhà, các mảng tường đã bong tróc, hầu hết phòng đều lộ nhiều vết nứt nẻ và trần nhà rêu xanh loang lổ. Vào mùa mưa nhà bị ngập có lúc lên tới 1,5 m, ướt hết giường tủ, áo quần.
Không chịu được cảnh ngập nước, vợ chồng ông Màu phải nâng nền nhà. Sau nhiều năm, nền được nâng lên hơn 1,4 m, nằm sát cửa sổ, còn trần nhà sắp đụng đầu người. "Sống trong môi trường ẩm thấp quanh năm, mấy đứa cháu thường xuyên ốm vặt", ông Màu nói.
Khu tái định cư Lê Hồng Phong 3 rộng hơn 63 ha, hình thành từ năm 2002. Sau đó, tỉnh cắt một phần diện tích để làm hai khu đô thị Phước Long 2, Hoàng Long. Gần 39 ha còn lại được tỉnh thực hiện dự án khu tái định cư Lê Hồng Phong 3. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng chậm trễ nên dự án không thể triển khai. Năm 2015, tỉnh chấm dứt đầu tư dự án này, nhưng vẫn chưa bỏ quyết định thu hồi đất (ban hành năm 2009) khiến nhiều hộ dân ảnh hưởng.
Quy hoạch treo nhiều năm, lại không được đầu tư hạ tầng, nên những năm gần đây, khu vực này nhếch nhác, xuống cấp và ngập nước. Ông Lương Văn Thông, tổ trưởng tổ dân phố 3 Phước Thành nói mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh địa bàn bị quy hoạch treo quá lâu, song chính quyền chưa có hướng giải quyết. Sau trận bão Damrey cuối năm 2017, gần 80% nhà ở khu vực bị sập nhưng người dân không được xây dựng mới.
Khu tái định cư Lê Hồng Phong 3 nhìn từ trên cao, phía xa đằng sau là khu đô thị mới khang trang. Ảnh: Bùi Toàn
Nhiều gia đình có con lập gia đình, sinh thêm người nhưng không thể làm hộ khẩu hoặc phải nhập nhà người quen ở nơi khác. Hệ thống giao thông, điện, nước không được đầu tư, phần lớn được người dân dựng tạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thời gian qua, người dân phải góp tiền để láng xi măng các tuyến hẻm.
"Dự án đã bị chấm dứt, người dân chỉ mong UBND tỉnh sớm xóa bỏ quy hoạch năm 2009 để làm sổ đỏ, xây nhà, ổn định cuộc sống", ông Thông nói. Việc này nếu được thực hiện cũng giúp địa phương làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, tránh tình trạng người dân xây dựng nhà trái phép.
Năm 2021, UBND TP Nha Trang đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép thành phố điều chỉnh, không thực hiện thu hồi đất khi dự án đã dừng triển khai. Đề xuất này sau đó được ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, giao các sở ngành liên quan xem xét, xử lý. Mới đây, chính quyền Nha Trang tiếp tục có kiến nghị tương tự, song chưa được giải quyết.
Bùi Toàn