Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra sáng 30/11.
Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hà Nội thừa nhận bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, khó khăn trong công tác quy hoạch thành phố. Cụ thể như việc chưa định hình rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Ngoài ra, các chỉ tiêu như tốc độ đô thị hóa chưa đạt được mục tiêu đề ra, công tác quản lý, kiểm soát dân số và giãn dân nội đô còn nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự... còn hạn chế. Hạ tầng giao thông cũng chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa.
Hà Nội sẽ tập trung phát triển các huyện lên quận, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và nghiên cứu sân bay quốc tế phía Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).
Những hạn chế nêu trên, theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức bất cập. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Một số vấn đề chưa được giải quyết thống nhất, đồng bộ.
Một nguyên nhân khác cũng được đề cập đến là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thiếu chặt chẽ, chưa thực sự sâu sát, quyết liệt. Công tác quản lý sau quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được tập trung đúng mức…
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đưa ra một số nhóm nghiệm vụ tập trung triển khai trong thời gian.
Trong đó, về thực hiện quy hoạch, lãnh đạo Hà Nội cho biết sẽ tập trung phát triển các huyện lên quận, đẩy mạnh tốc độ đô thị, xây dựng đô thị thông minh, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư dọc các con sông, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và nghiên cứu sân bay quốc tế phía Nam, quy hoạch phát triển không gia ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hóa, gắn kết với phát triển đô thị...
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ ngành để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 148 của Chính phủ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, triển khai các công tác, chương trình trọng điểm có kế hoạch, nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai, nhà ở... để tạo hành lang pháp lý bền vững, thúc đẩy phát triển.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng phát triển theo định hướng quy hoạch, hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển Thành phố thuộc Thủ đô đảm bảo kết nối với các tỉnh thành phố phía xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng.
Đồng thời tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại, phát triển hệ thống giao thông huyết mạch có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng. Trong đó, tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm.
Một địa phương khác là Quảng Ninh cũng có bài tham luận tại hội nghị. Theo lãnh đạo địa phương này, thời gian tới sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư". Ưu tiên bố trí, sử dụng vốn NSNN là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, phát triển KTXH nhanh và bền vững.
Lãnh đạo Quảng Ninh cũng khẳng định sẽ thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, sản xuất, dịch vụ, du lịch chất lượng, mang tính chiến lược, quy mô lớn để dẫn dắt nền kinh tế tỉnh phát triển bền vững...; chỉ đạo việc rà soát quy hoạch, dự án chậm triển khai, không phù hợp để điều chỉnh, hủy bỏ, thu hồi, quản lý, thu hút các dự án mới...