Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều phụ nữ khuyết tật năng động, nắm bắt kỹ thuật số để chuyển đổi hình thức kinh doanh online và đã thành công. Không những họ không trở thành gánh nặng cho mình và gia đình mà tự mình vươn lên, học tập, khởi nghiệp, giúp đỡ người khuyết tật, thậm chí cả người bình thường khác.
Tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh và ứng dụng công nghệ số tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật được tổ chức sáng nay - 17/4.
Từ thực tế này, trong vài năm gần đây đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến. Năm 2021 đã diễn ra tọa đàm trực tuyến “Phụ nữ khuyết tật - Con đường kinh doanh trực tuyến” trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”.
Người khuyết tật phải chịu nhiều thiệt thòi hơn người bình thường khác trong học tập, đi lại, hòa nhập cộng đồng. Dự án đã hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật Đồng bằng sông Hồng, giúp họ vượt qua khó khăn, có kỹ năng nâng cao hiệu quả bán hàng trong kinh doanh trực tuyến.
Nói về tọa đàm cũng như dự án, chị Lương Thị Minh Nguyệt - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng, Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Sức sống xanh - một phụ nữ khuyết tật kinh doanh online thành công sau khi tham gia dự án cho biết: “Hiện tại tôi đang bán hàng tại nhà kết hợp kinh doanh trực tuyến. Khi tham gia dự án, tôi học được rất nhiều điều, nhất là dùng công nghệ, dùng truyền thông để giúp gia đình có cơ hội kiếm thêm thu nhập, đặc biệt tôi có thêm động lực tự tin để tiếp tục kinh doanh online”.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) cũng đã tổ chức Tọa đàm “Phụ nữ khuyết tật - con đường kinh doanh trực tuyến” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tọa đàm là chương trình nằm trong khuôn khổ của Dự án “Ứng dụng công nghệ số nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ khuyết tật trong bối cảnh dịch COVID-19”.
Dự án được thực hiện nhằm nâng cao năng lực kinh tế cho 40 phụ nữ khuyết tật khu vực trung du miền núi phía Bắc, Việt Nam. Thông qua xây dựng kỹ năng áp dụng công nghệ số vào kinh doanh online, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh cho phụ nữ khuyết tật, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh; vận động sự ủng hộ/hỗ trợ của gia đình và cộng đồng đối với hoạt động kinh doanh của phụ nữ khuyết tật…
Về phía Hội LHPN Việt Nam, những năm vừa qua, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức, phát huy tài năng của phụ nữ khuyết tật trong khởi nghiệp sáng tạo, mang lại cơ hội bình đẳng cho phụ nữ khuyết tật.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 3 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công” nằm trong khuôn khổ đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Trong số gần 1.000 ý tưởng, đề án khởi nghiệp của phụ nữ trên mọi miền đất nước gửi về dự thi, có 210 ý tưởng, đề án khởi nghiệp vượt qua vòng sơ khảo, 32 ý tưởng, đề án của phụ nữ khuyết tật...
Năm 2023 kỷ niệm 25 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam với Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, hôm nay (17/4) TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức lớp tập huấn ứng dụng công nghệ số tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật năm 2023.
Buổi tập huấn cung cấp một số kiến thức, kỹ năng về khởi sự kinh doanh cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động phát triển kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến. Tại buổi tập huấn, các phụ nữ khuyết tật cũng có cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ, học hỏi kiến thức hay.