Bùng phát 'bẫy' vay tiền ngân hàng qua mạng

17/09/2022 11:41
Tin vào những lời mời chào vay vốn qua mạng Zalo, Facebook, Viber… với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí là được giải ngân của các “nhân viên ngân hàng rởm”, nhiều người đã bị chiếm đoạt hàng triệu đồng.

 

Vẫn chưa thể kiểm soát tình trạng tin nhắn mạo danh ngân hàng lừa đảo

Ngày 7/9, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn còn có người "sập bẫy" của các đối tượng.

Vẫn có nhiều nạn nhân

Cụ thể, lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) chạy quảng cáo để tiếp cận các nạn nhân. Tiếp đó, chúng sẽ gửi đường link kết nối CH Play, App Store… để “con mồi” cài đặt ứng dụng vào điện thoại và đăng ký tài khoản trên app.

Bùng phát 'bẫy' vay tiền ngân hàng qua mạng

Công an TP Hà Nội khuyến cáo, người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền.

Khi nạn nhân đăng nhập ứng dụng trên điện thoại (app), điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu và được đồng ý cho vay số tiền theo đề nghị của họ, số tiền giải ngân đã được thể hiện trên app, nhưng người vay không thể chuyển, rút được và bị khóa app, vì do lỗi “sai cú pháp”, “quá hạn mức”, “sai số tài khoản ngân hàng”...

Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được. Hoặc chúng yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân… Đáng lưu ý, nhiều nạn nhân chuyển tiền nhiều lần theo yêu cầu để được vay nhưng khi biết bị lừa thì họ không lấy lại được số tiền đã chuyển.

Trường hợp điển hình mới đây là ngày 26/8, Công an xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai (Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị T (sinh năm 1994, ở huyện Thanh Oai) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online.

Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, chị T đã lên mạng internet để tìm kiếm. Sau khi truy cập vào app vay tiền, chị T có đăng ký vay 30 triệu đồng.

Để nhận được tiền, chị T được nhân viên hướng dẫn phải đóng thêm tiền mới được giải ngân. Sau đó, chị T đã gửi gần 200 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay. Lúc này, chị T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, chị T.N. (quận Long Biên) có đơn trình báo Công an phường Phúc Đồng vềviệc chị vay tiền online của một đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng. Chị N. đã chuyển gần 30 triệu đồng để đóng phí cho khoản vay nhưng sau đó không nhận được tiền nên mới biết bị lừa và trình báo cơ quan công an.

Danh sách các app bị khách hàng điểm mặt tố cáo lừa đảo rất nhiều: Netfin Credit, CEO Finance, Space, Simple Loan, Mg Credit, Modern Credit, UBS Credit, Handy Cash…

Trước thực trạng nhiều người bị "gài bẫy", các ngân hàng đã cảnh báo tới khách hàng về việc các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo. Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ

Khi được hỏi, nhiều người dân cho hay, do cả tin cộng với tình cảnh quá túng quẫn, khát vay tiền, nên khi nghe quảng cáo, họ như "chết đuối vớ được cọc", nhất thời không còn lý trí để cảnh giác. Thực tế, tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo cho vay vốn không phải là chuyện mới, đã bị báo chí và các ngân hàng cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn liên tiếp có thêm người dân "sập bẫy".

Đại diện LienVietPostBank cho biết, thời gian gần đây, ngân hàng có ghi nhận một số trường hợp mạo danh ngân hàng dưới tên LIENVIETCREDIT gửi tin nhắn qua điện thoại/email/tờ rơi thông báo giải ngân khoản vay hoặc thông báo khách hàng có khoản vay quá hạn cần phải chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định, nếu khách hàng không thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng trên sẽ gặp một số rắc rối về pháp lý. Vì vậy, LienVietPostBank khuyến cáo, để phòng ngừa rủi ro, khách hàng khi nhận được thông tin như vậy thì không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng trên.

Mới đây, Agribank lưu ý khách hàng cảnh giác với hình thức gian lận, lừa đảo khi đối tượng tạo dựng các website giả mạo, tài khoản Zalo, Facebook có hình ảnh logo ngân hàng, hình ảnh phòng giao dịch, hội thảo tư vấn, ảnh cá nhân của nhân viên ngân hàng và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền là “phí bảo hiểm rủi ro”. Ngay sau khi chuyển số tiền trên, khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa.

Đại diện Agribank khẳng định, ngân hàng không yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí để được hưởng ưu đãi gói vay/tiền gửi, phí hoàn thiện hồ sơ tín dụng, không cho vay chỉ thông qua các bản chụp giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu… gửi qua tin nhắn SMS, email, Zalo, Messenger... "Khách hàng khi có nhu cầu vay vốn hoặc tư vấn, hỗ trợ thông tin khác về sản phẩm dịch vụ của Agribank thì liên hệ trực tiếp các phòng giao dịch/chi nhánh Agribank", đại diện ngân hàng khuyến nghị.

Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng khác như Techcombank, MB, VPBank, BacABank… cũng đưa ra các khuyến cáo cho khách hàng. Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho “con mồi” để chứng minh họ đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, yêu cầu nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên, kèm tiền phí và bảo hiểm vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Cuối cùng là chặn toàn bộ liên lạc với người bị hại sau khi đã nhận tiền…

Đáng nói, tình trạng giả mạo cán bộ ngân hàng lừa đảo bùng lên rất mạnh vài năm nay, nhưng số trường hợp bị phát hiện, bắt giữ và xử lý rất ít. Một phần do các đối tượng thường sử dụng sim điện thoại “rác”, sử dụng tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ giả… khiến việc truy tìm khó khăn. Hơn nữa, do số tiền lừa đảo thường không quá lớn (2 - 20 triệu đồng), nên người dân có tâm lý ngại trình báo công an.

Huyền Anh

Theo Nguồn vnbusiness.vn

Bùng phát 'bẫy' vay tiền ngân hàng qua mạng - Tài Chính