Bảo vệ nghiêm ngặt sầu riêng, 'thủ phủ trái cây tỷ USD' kiến nghị khẩn lên bộ
Hải Dương Xem các bài viết của tác giả
24/05/2025 09:37 (GMT+07:00)
Trước việc sầu riêng Việt Nam nhiễm chất cadimi, vàng O, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, cơ sở chiếu xạ để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất trong sầu riêng.
Liên quan đến việc sầu riêng Việt Nam vừa bị Trung Quốc phát hiện nhiễm chất cadimi, vàng O gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, sáng 24/5, trao đổi với PV VietNam Net, ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương vừa có kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường một số vướng mắc trong việc trồng, sản xuất và xuất khẩu sầu riêng.
Sầu riêng Đắk Lắk chưa bị phát hiện nhiễm cadimi, vàng O. Ảnh: Hải Dương
Cụ thể, Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm, xem xét chỉ đạo cơ quan chuyên môn của bộ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, chất tạo màu, làm chín đều, bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất.
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và Cơ sở chiếu xạ tại Đắk Lắk để thuận tiện cho việc giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất, đối tượng kiểm dịch ngay tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (trú tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) bên vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Hải Dương
Trước đó, từ cuối năm 2024 đến nay, Trung Quốc đã phát hiện sản phẩm sầu riêng Việt Nam bị nhiễm cadimi, vàng O. Hàng chục mã số vùng trồng của Việt Nam bị thu hồi, trong đó số lượng lớn tập trung tại tỉnh Tiền Giang.
Phía Hải quan Trung Quốc yêu cầu 100% lô sầu riêng Việt Nam phải có giấy kiểm nghiệm cadimi và vàng O mới được thông quan; nếu phát hiện tồn dư, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói liên quan sẽ bị đình chỉ xuất khẩu.
Theo thống kê, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản phẩm đông lạnh đã xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Hoa Kỳ…, trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 3,3 tỷ USD. Tổng diện tích sầu riêng của Việt Nam hiện nay khoảng 179.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 1,6 triệu tấn. Riêng tỉnh Đắk Lắk có khoảng 38.000ha (lớn nhất cả nước), sản lượng 360.000 tấn.
Đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk đã được cấp 68 mã số vùng trồng, 24 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi và 11 cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh.
Theo thông tin mới cập nhật ngày 20/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới phê duyệt thêm cho tỉnh Đắk Lắk 200 mã vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói (tổng cộng tỉnh Đắk Lắk có 39 cơ sở đóng gói và 268 mã vùng trồng với tổng diện tích khoảng 7.500 ha).
Đắk Lắk ráo riết lên phương án bảo vệ sầu riêng, nông dân nhờ nhà khoa học vào cuộcLà tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước, Đắk Lắk đang quyết liệt vào cuộc để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sầu riêng khi sắp bước vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo giám sát kỹ số lượng đầu ra, đầu vào của sầu riêng.
Bình luận